Cẩn trọng với bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ hiện vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Hiện toàn cầu ghi nhận trên 69.000 ca mắc tại 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đã có 28 ca tử vong tại 13 quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh thông qua giám sát dịch tễ. Bệnh nhân nữ 35 tuổi khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9/2022, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán. Ngày 25/9/2022, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị. Nữ bệnh nhân này hiện được xuất viện sau 3 tuần điều trị và cách ly tại bệnh viện. Theo cơ quan chức năng, nữ bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ ở Việt Nam có nguồn lây từ nước ngoài - nơi bệnh nhân đi du lịch, bệnh chưa lây ra cộng đồng khi bệnh nhân về Việt Nam.
Tiếp đó, cũng tại TP Hồ Chí Minh phát hiện trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9/2022 đến 18/10/2022. Phụ nữ này được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhờ hệ thống giám sát chủ động của ngành y tế và được đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cách ly để chẩn đoán và điều trị.
Trước diễn biến còn phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu ngành Y tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, khuyến cáo của WHO để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời; thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong; xây dựng kế hoạch đáp ứng về y tế với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định, tập huấn cho cán bộ y tế; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh đậu mùa khỉ; chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc phù hợp cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đối với các địa phương cần giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu (đối với địa phương có cửa khẩu), trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; tuyên truyền tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế; thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế; người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương; đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe...
Ngoài ra, Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút thuộc giống Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra (có 02 biến chủng Tây Phi và biến chủng lưu vực Công-gô), các ca bệnh xảy ra trong năm 2022 đều là biến chủng ở Tây Phi. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới và Việt Nam
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bệnh có thể lây truyền giữa người với các loài động vật linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ, sóc và chó nhà. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh đậu mùa khỉ (gồm các triệu chứng: con vật có các biểu hiện ốm như sốt, bỏ ăn, ăn ít, phát ban và có xuất hiện nhiều mụn nước trên da...) đề nghị nhân dân thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn thú y hoặc UBND phường; cơ quan chuyên môn thú y chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhiễm vào nước ta. Thực tiễn gần 2 năm qua phòng chống dịch Covid-19 cho thấy, ý thức phòng bệnh, tuân thủ các khuyến cáo, quy định của ngành y tế là vô cùng quan trọng, cùng với đó, các địa phương cần chủ động phòng từ xa, từ sớm, từ cơ sở, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, quyết tâm không để dịch đậu mùa khỉ lây lan.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế
Tin tức khác
- Phường Tuần Châu chủ động xã hội hóa khắc phục hậu quả bão số 3
- Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ thức ăn đường phố
- 10 xu hướng chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe năm 2024
- An toàn thực phẩm là gì – Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm
- Vệ sinh an toàn thực phẩm là gì? Các nguyên tắc cơ bản để giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm