Bác Hồ về Tuần Châu ngày 5/10/1957, khi ấy Bí thư Khu ủy Hồng Quảng Nguyễn Tuân đưa Bác lên đồi cao để bác ngắm toàn bộ phong cảnh đảo Tuần Châu. |
Dự án tu bổ Di tích ao cá Bác Hồ trên đảo Tuần Châu
Quần thể công trình sử dụng diện tích đất 18.052,3m2, gồm các hạng mục: Tôn tạo, tu bổ, chỉnh trang hệ thống 3 ao cá Bác Hồ; xây dựng mới nhà lưu niệm cao 2 tầng kiến trúc kiểu nhà sàn mái dốc, diện tích đất xây dựng 302m2, diện tích sàn 604m2; dựng bia đá tạc mốc son lịch sử ba lần Bác Hồ về xã đảo Tuần Châu; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh tiểu cảnh, đường giao thông nội bộ hoàn chỉnh, mỹ quan…tạo thêm sự tôn kính và thâm nghiêm nơi 3 lần Bác Hồ về thăm.
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân xã đảo Tuần Châu ngày 13/11/1962. |
Về công tác giải phóng mặt bằng, diện tích đất thu hồi 7.633,9m2, có 30 hộ bị ảnh hưởng; trong đó, 2 hộ di rời tái định cư, 600m2 đất ở, 5.980,2m2 đất trồng cây ngắn ngày, 1.053,7m2 đất trồng cây lâu năm, 8.395m2 đất thủy sản của HTX nông nghiệp thu hồi không phải bồi thường. Thời gian xây dựng, 2023-2024, tổng kinh phí đầu tư dự án là 31.085.375 ngàn đồng, bằng ngân sách thành phố.
Nhưng trong các hạng mục xây dựng, có tấm bia đá lớn tạc đại tự mốc son ba lần Bác Hồ về thăm Tuần Châu, niêm yết lần thứ ba Bác về vào ngày 13/11/1963, còn có ý kiến lệch ngày khác nhau, nghe chưa ổn. Cụ thể, theo tài liệu Xếp hạng di tích của Sở Văn hóa-Thể thao ghi theo lời ông Lê Văn Tiến, Bí thư Chi bộ xã Tuần Châu (1961-1963), trưa ngày 13/11/1962, Bác đi bằng máy bay trực thăng hạ cánh xuống đồi cây đa ở xóm. Trước đó, ông Minh - Trưởng ty Công an Khu Hồng Quảng trực tiếp đến chỉ huy một đơn vị Công an bí mật phát cây, dọn cỏ, vẽ vòng tròn bằng vôi trắng cho máy bay dễ định vị để hạ cánh.
Trong tập 8 (1961-1963) cuốn Hồ Chí Minh biên niên sử của Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh do nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 1996 ghi: Ngày 22/11/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 3, bàn về tình hình thế giới nhiệm vụ của Đảng ta và cách mạng miền Nam (họp từ 22/11/1963 đến 7/12/1963 tại Hà Nội. Khi ấy, Bác Hồ chắc chắn không đi thăm đảo Tuần Châu được. Nhưng cuốn Địa chí Quảng Ninh, in 7/2007 ghi, lần thứ ba Bác Hồ về Tuần Châu vào ngày 13/11/1963. Vấn đề tạc bia để lại cho hậu thế, phải trung thực, chính xác không thể ngụy tạo được.
Sử tích ao cá Bác Hồ trên đảo Tuần Châu
Ngày 15/11/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”, lấy ao cá của Bác ở Phủ Chủ tịch làm kiểu mẫu; xã đảo Tuần Châu nơi Bác Hồ 3 lần đến thăm, vinh dự được tỉnh Quảng Ninh chọn làm điểm chỉ đạo phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”, để nhân rộng nghề nuôi cá nước ngọt ra các địa phương trong tỉnh. (Bác Hồ đến Tuần Châu lần thứ nhất vào ngày 5/10/1957; lần thứ hai vào ngày 1/4/1959; lần thứ ba vào ngày 13/11/1962).
Ngay cuối tháng 11/1978, xã Tuần Châu đã quy hoạch, cải tạo, mở rộng một khu đất trũng đã có một ao cá cũ, nguồn khai thủy tốt, quanh năm nước cả ở xóm Nam (nay là khu 5) thành 3 chiếc ao vuông vắn, liên thông, bờ ao trồng dừa có lối nhỏ đi lại thuận tiện và xây cầu ao hình dáng giếng khơi.
Ngày 10/1/1979, xã Tuần Châu cử một đoàn cán bộ gồm 35 người, là những người có thành tích tiêu biểu, những người đã từng được gặp Bác Hồ khi Bác về thăm đảo, như: Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tiến, đại diện người cao niên Nguyễn Văn Cường và Phạm Viết Hùng khi ấy là học sinh ưu tú của trường cấp I-II Tuần Châu… Đoàn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hảo làm Trưởng đoàn, đi Thủ đô Hà Nội nhận cá giống từ ao cá của Bác ở Phủ Chủ tịch.
Ngày 11/1/1979, nghi Lễ nhận cá từ ao cá Bác Hồ diễn ra trọng thể, Đoàn đã dâng hương báo công với Bác tại Khu lưu niệm Phủ Chủ tịch, cáo thần xin Bác cho cá giống về nuôi. Lãnh đạo Bộ Hải Sản và Bảo tàng Hồ Chí Minh, trân trọng giao cho Đoàn Quảng Ninh 6 túi ni long lớn chứa cá chép hồng, cá trắm giống vừa bắt dưới ao nhà Bác lên. Đoàn xe rước cá giống từ ao cá Bác Hồ ở Hà Nội về Quảng Ninh chăng cờ, kết hoa, khẩu hiệu, treo ảnh Bác, có xe cảnh sát hộ tống dẫn đường trang trọng.
Khi về đến Bến Đoan, phường Hạ Long, thị xã Hồng Gai nay là thành phố Hạ Long, thì Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tâm, Chủ Tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đàm, cùng lãnh đạo thị xã Hồng Gai, lãnh đạo các mỏ than, lãnh đạo các phường xã và hàng ngàn học sinh, viên chức, nhân dân địa phương đã đón chờ long trọng. Cá giống được đưa xuống tàu Hải quân chở tiếp độ đường từ Bến Đoan vượt biển Hạ Long cập đảo Tuần Châu.
Khi ấy, cả xã đảo Tuần Châu tưng bừng như ngày hội lớn, tổ chức lễ mít tinh cờ rong trống mở, làm nghi lễ cá nhập ao. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tâm, Chủ Tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đàm cùng dân đảo thả cá giống xuống ao. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tâm nay không còn nữa, nhưng dân đảo vẫn nhớ khi ấy ông kêu gọi: “Giờ đây, nhận cá giống từ ao cá Bác Hồ đưa về, chúng ta có nhiệm vụ đẩy mạnh việc thả, nuôi và phát động phong trào toàn dân nuôi cá ở khắp các ao hồ, đầm, sông, suối để có thêm nhiều cá tươi phục vụ thợ mỏ, phục vụ đời sống nhân dân cả tỉnh”.
Một số hình ảnh dự án bảo tồn, xây dựng tu tạo ao cá Bác Hồ:
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Vũ Thị Mai Anh, chỉ đạo công trình xây dựng phải chất lượng, mỹ quan tạo điểm du lịch tâm linh trên đảo Tuần Châu. |
Lễ khởi công công trình bảo tồn, tu bổ di tích Ao cá Bác Hồ trên đảo Tuần Châu. |
Ao cá Bác Hồ trên xã đảo Tuần Châu, đào năm 1978, hiện vẫn giữ được hình dáng tự nhiên, sơ khai (Phó Bí thư thường trực Thành ủy Vũ Thị Mai Anh thực tế hiện trường). |
Những ngày Tết, lễ và khai giảng năm học mới thày trò trường Tiểu học và THCS Tuần Châu thường đến dâng hương, thăm bia đá tạc di nguyện của Bác: xây dựng đảo Tuần Châu thành “Ngọc Châu”. |
Ông Nguyễn Văn Bính - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tuần Châu từng được ăn kẹo Hải Châu bác cho trẻ em trên đảo ngày ấy, nay có ý kiến văn bia tạc đá Di tích lịch sử phải trung thực, thì mới linh thiêng. |
Sơ đồ nhà lưu niệm trong quần thể Di tích Bác Hồ trên đảo Tuần Châu. |