XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HẠ LONG TRỞ THÀNH “THÀNH PHỐ HỌC TẬP” VÀ THAM GIA MẠNG LƯỚI “CÁC THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU” CỦA UNESCO

 

1. Xây dựng xã hội học tập  - một xu hướng toàn cầu

Ý tưởng về xã hội học tập bắt đầu được UNESCO thảo luận vào cuối những năm 60 của thế kỷ XXI, đã nhấn mạnh giáo dục cần phải có phạm vi bao phủ tới toàn bộ cộng đồng và diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi cá nhân. Học tập suốt đời chính là chìa khóa của thế kỷ XXI. Sự cần thiết phải nhìn nhận lại xu hướng giáo dục toàn cầu, trong đó có yêu cầu các nền giáo dục buộc phải chuyển dịch theo hướng mở và học tập suốt đời, xã hội cần thiết phải phát triển theo hướng trở thành xã hội học tập. Nhiệm vụ thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã trở thành một hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để bảo đảm sự phát triển thịnh vượng, nhân văn, bền vững trong bối cảnh hiện nay.

  Tại Việt Nam, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử, từ trăn trở “ai cũng được học hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi nước ta giành độc lập cho tới những chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua. Trực tiếp nhất, ngày 18 tháng 5 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” với tiêu chí tổng quát là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người dân, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập và tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt Đề án giai đoạn 2012 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030 về xây dựng XHHT.

  Kết luận số 49-KL/TW ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư khóa XII và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các cấp, các ngành: Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030, đặt ra mục đích mọi công dân tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

2. Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

2.1. Sự ra đời và phát triển của mạng lưới

Sự ra đời của các thành phố học tập là một bước đi tất yếu trong hành trình xây dựng xã hội học tập. Các thành phố học tập đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối các cơ hội học tập với thực tế đời sống, biến các nguyên tắc học tập suốt đời thành các hoạt động cụ thể và khả thi tại địa phương. Từ đó, các thành phố này không chỉ là nơi tập trung dân cư mà còn trở thành môi trường học tập liên tục, sáng tạo và toàn diện.

Sáng kiến Mạng lưới Thành phố học tập Toàn cầu của UNESCO (GNLC) ra đời vào năm 2013 đánh dấu một cột mốc quan trọng. Đây là nền tảng kết nối các thành phố tiên phong trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, hợp tác quốc tế, và hỗ trợ lẫn nhau trong việc triển khai các sáng kiến học tập. Mạng lưới này không chỉ góp phần lan tỏa tầm nhìn về một xã hội học tập toàn cầu, mà còn cung cấp nguồn lực và kinh nghiệm để các thành phố thành viên hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về thành phố học tập được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) theo đề xuất của Viện học tập suốt đời UNESCO (UIL); mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là nơi tập hợp những điểm sáng trong hợp tác quốc tế, đoàn kết các thành phố ủng hộ các sáng kiến học tập suốt đời. Cho tới nay, mạng lưới đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững trên khắp thế giới thông qua học tập suốt đời ở cấp địa phương.

Tính đến năm 2024, mạng lưới có 356 thành phố thành viên từ 79 quốc gia với hơn 390 triệu dân được hưởng lợi từ các cơ hội học tập suốt đời. Các thành phố này chia sẻ nguồn cảm hứng, trao đổi kiến thức chuyên môn và các phương pháp hay nhất, vạch ra con đường hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, toàn diện và hòa nhập hơn cho tất cả mọi người.

Tại Việt Nam, hiện có 05 thành phố được công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu gồm: Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) gia nhập mạng lưới năm 2020; Thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) gia nhập mạng lưới năm 2022 và Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) gia nhập mạng lưới năm 2024.

2.2. Khái niệm: "Thành phố học tập"

Một thành phố, thị trấn hoặc khu vực được gọi là “học tập” nếu nhận thức và thấu hiểu được vai trò chủ chốt của học tập trong việc phát triển sự thịnh vượng, bền vững của xã hội, thỏa mãn nhu cầu cá nhân và huy động toàn bộ nguồn nhân lực, vật chất và tài chính một cách sáng tạo, thận trọng nhằm phát huy tối ta tiềm năng của tất cả công dân trong phát triển thành phố đó (Longworth, 1999).

Theo định nghĩa của UNESCO, “Thành phố học tập là một thành phố huy động tối đa và hiệu quả tất cả các nguồn lực nhằm:

- Thúc đẩy các cơ hội học tập từ cấp phổ thông đến cấp đại học một cách bình đẳng cho mọi công dân;

- Khuyến khích việc học tập trong từng gia đình và cộng đồng;

- Tạo điều kiện cho học tập vì công việc và học tại nơi làm việc;

- Mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại;

- Tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập;

-  Xây dựng văn hóa học tập suốt đời.”

  2.3. Những lợi ích to lớn khi tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

  Thứ nhất, thành viên của UNESCO-GLCN sẽ là những thành phố đầu tiên được hưởng cơ hội trao đổi ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm và thực tế với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới.

Thứ hai, các thành phố thành viên sẽ có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia và kiến thức chuyên môn của UNESCO và các đối tác sáng lập UNESCO trên cộng đồng quốc tế, cũng như có cơ hội cập nhật kiến thức và thực tế tại các hội thảo và hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO trên toàn thế giới.

Hơn nữa, các thành phố thành viên cũng sẽ được tiếp cận với các công cụ đo lường và giám sát, các tài liệu học tập cũng như những nguồn khác - điều này cho phép một thành phố không chỉ đạt được mục tiêu xây dựng thành phố học tập, mà còn có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của bản thân thành phố đó cũng như của cả hành tinh, nơi mà chúng ta đang sống.

Bên cạnh đó, các thành phố thành viên còn có cơ hội phấn đấu để dành được Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO”. Danh hiệu này sẽ nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của chính thành phố đó.

3. Quy trình gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

Để trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu, các thành phố cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Tham khảo các tài liệu hướng dẫn gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO và chia sẻ tài liệu này với các bên liên quan.

Bước 2: Cam kết huy động tất cả các nguồn lực cần thiết để triển khai các bước theo hướng dẫn gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Bước 3: Hoàn thành mẫu hồ sơ đăng kí thành viên. Thị trưởng/lãnh đạo thành phố kí xác nhận đơn đăng kí này.

Bước 4: Gửi đơn đăng kí đến Ủy ban Quốc gia UNESCO tại nước sở tại và nhóm điều phối Thành phố học tập của UNESCO  tại địa chỉ learningcities@unesco.org. Ủy ban Quốc gia UNESCO là đơn vị đầu mối

Tài liệu hướng dẫn và quy trình nộp hồ sơ để trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO được đăng tải tại website chính thức của UIL tại địa chỉ: https://uil.unesco.org/lifelong-learning/learning-cities/become-member.

Theo quy định của UNESCO, trong mỗi vòng xét duyệt, mỗi quốc gia có thể nộp tối đa 03 hồ sơ ứng cử. UNESCO mở hồ sơ xét duyệt theo chu kỳ 2 năm/lần. Năm 2025, là chu kỳ tiếp theo để các quốc gia nộp hồ sơ ứng cử. Tỉnh Quảng Ninh lựa chọn 02 thành phố (Hạ Long và Uông Bí) để xây dựng hồ sơ đăng ký tham gia.

Sau khi gia nhập mạng lưới, các thành phố học tập toàn cầu tiếp tục: (1) Tập trung công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng thành phố học tập; lợi ích, trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân thành phố khi tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; (2) Thành phố thành lập Ban chỉ đạo xây dựng thành phố học tập; (3) Xây dựng Kế hoạch tổng thể và lộ trình xây dựng thành phố học tập theo giai đoạn và từng năm; (4) Chỉ đạo việc bố trí kinh phí ngân sách hằng năm để triển khai các nội dung, hoạt động trong kế hoạch đã đề ra; đồng thời huy động sự
đóng góp của các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập. Cuối năm, xây dựng báo cáo đánh giá sự tiến bộ của các tiêu chí, trong đó tập trung vào việc phân tích các tiêu chí còn chưa đạt để từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng thành phố học tập.

  4. Bối cảnh, nền tảng và lợi ích khi Hạ Long tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

Bối cảnh, nền tảng: Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long là một trong hai thành phố được Uỷ ban nhân dân tỉnh lựa chọn thực hiện đánh giá, khảo sát toàn diện và xây dựng hồ sơ để đăng ký gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Là nơi có Vịnh Hạ Long - một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nổi tiếng với giá trị toàn cầu đặc biệt về thẩm mỹ, địa chất và địa mạo. Thành phố cũng là đơn vị dẫn đầu tỉnh về thành tích giáo dục chính quy và đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy một xã hội học tập. Thành phố đã và đang thực hiện cơ bản đạt và vượt các tiêu chí, chỉ số xây dựng Thành phố học tập. Những yếu tố này giúp Hạ Long trở thành ứng cử viên có nhiều tiềm năng, cơ hội  để trở thành thành viên của mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Việc đưa thành phố Hạ Long tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO đã được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tại Thông báo số 1227-TB/TU ngày 04/5/2024 của Tỉnh ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về tình hình thực hiện Kết luận 49-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong đó phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh học tập, có ít nhất 02 thành phố Hạ Long, Uông Bí tham gia “Mạng lưới học tập toàn cầu” của UNESCO.

   Việc xây dựng thành phố Hạ Long trở thành thành phố học tập được thực hiện trên các nền tảng đã có của Thành phố, đó là: (1) Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình đã thực hiện từ nhiều năm qua như: Công dân học tập, Gia đình hiếu học/Gia đình học tập, Dòng họ hiếu học/Dòng họ học tập, Đơn vị học tập và Cộng đồng học tập cấp xã; (2) Sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân sự, chuyên môn nghiệp vụ và kinh phí hoạt động hằng năm cho Trung tâm Học tập cộng đồng các xã, phường trên địa bàn thành phố; (3) Lồng ghép nội dung hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể các cấp; (4) Duy trì việc tổ chức các sự kiện tuyên truyền về học tập suốt đời trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, trao quà, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên nghèo hiếu học hằng năm; (5) Giáo dục di sản, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn liền các mục tiêu bảo tồn di sản và phát triển bền vững; (6) Đa dạng các hình thức học tập thông qua các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường như thư viện, bảo tàng, đặc biệt là các Lễ hội đặc sắc…

   Về lợi ích: Khi tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu sẽ tạo ra sự liên kết và cho phép người dân Hạ Long tham gia tích cực hơn vào việc trao đổi ý tưởng, kiến ​​thức và kinh nghiệm toàn cầu với các thành phố thành viên khác. Ngoài ra, điều đó sẽ củng cố danh tiếng quốc tế của thành phố, thu hút đầu tư và nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững.

Thành phố Hạ Long xây dựng thành phố học tập và tham gia mạng lưới các Thành phố Học tập toàn cầu cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản đến đại học một cách bình đẳng cho mọi người; thúc đẩy việc học trong gia đình và trong cộng đồng; tạo điều kiện học cho công việc và tại nơi làm việc; mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại; tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập; xây dựng văn hóa học tập suốt đời.

  5. Thành phố Hạ Long- Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện việc đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

  Ngay từ đầu năm 2024, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh, Thành phố Hạ Long đã xây dựng Kế hoạch, thành lập Tổ công tác và triển khai ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ xây dựng Thành phố học tập toàn cầu. Các phòng, ban chuyên môn, UBND xã, phường, các đơn vị trường học, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện.

  Tập trung công tác tuyên truyền và tổ chức các hội nghị tham vấn: tuyên truyền để các cấp, các ngành và mọi người dân về trách nhiệm cũng như nhận thức được các cơ hội, lợi ích khi tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Công tác tuyên truyền còn được đẩy mạnh thực hiện qua các kênh thông tin đại chúng, báo, đài Trung ương và địa phương, nhất là gắn với kết quả sau các Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học xây dựng Thành phố học tập.

    Về kết quả khảo sát hiện trạng xây dựng thành phố học tập của thành phố Hạ Long (Có biểu số liệu kèm theo)

   Bằng các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, đến thời điểm hiện nay thành phố đã có 53/57 chỉ số đạt chuẩn theo quy định của UNESCO về thành phố học tập. Thành phố tiếp tục phối hợp lấy thông tin, kết quả về 02 chỉ số do được quy định đánh giá từ cấp tỉnh (Chỉ số 14Lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính giảm so với năm trướcChỉ số 18: Tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tăng hàng năm) và hoàn thiện 02 chỉ số hiện nay chưa đạt (Chỉ số 20: 100% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc giaChỉ số 16: Số vụ tai nạn giao thông giảm so với năm trước).

  Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh, sở, ngành liên quan và các chuyên gia tư vấn, hiện nay Thành phố đã hoàn thành dự thảo lần 1 về hồ sơ đăng ký, tham gia mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu.

  5. Trách nhiệm trong việc xây dựng thành phố Hạ Long trở thành “Thành phố học tập” và tham gia Mạng lưới các “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO;

Đối với Lãnh đạo thành phố Hạ Long:

- Cam kết mạnh mẽ và tạo động lực: Đảm bảo sự cam kết của chính quyền thành phố không chỉ thể hiện qua các quyết định hành chính, mà còn qua việc tạo động lực, khuyến khích các bên liên quan tham gia vào các hoạt động học tập suốt đời.

- Định hướng phát triển dài hạn: Lồng ghép các tiêu chí của thành phố học tập vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hạ Long, bảo đảm rằng học tập suốt đời là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

- Giám sát và đánh giá: Thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá định kỳ nhằm đảm bảo việc triển khai các tiêu chí thành phố học tập toàn cầu được thực hiện hiệu quả, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm để cải tiến.

  Đối với UBND các xã, phường, ban ngành, đoàn thể các cấp:

- Tham mưu, đóng góp ý kiến cho Lãnh đạo thành phố về việc thực hiện các chủ trương, chính sách và phân bổ các nguồn lực phục vụ cho việc triển khai các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập toàn cầu.

- Phát huy vai trò tiên phong, là cầu nối giữa chính quyền thành phố và cộng đồng, các đơn vị này cần chủ động đề xuất các sáng kiến, chương trình phù hợp với nhu cầu học tập cụ thể của người dân từng khu vực.

- Phối hợp tổ chức các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí, chỉ số  về xây dựng thành phố học tập toàn cầu.

Đối với các tổ chức, cá nhân và người dân thành phố Hạ Long

Duy trì và lan tỏa thói quen học tập suốt đời: Hằng ngày, mỗi người dân có thể dành ít nhất 15-30 phút để đọc sách, báo, hoặc tìm hiểu kiến thức mới qua các phương tiện như internet, thư viện, hoặc các nhóm học tập cộng đồng. Khuyến khích việc chia sẻ kiến thức trong gia đình, trường học, và nơi làm việc để xây dựng văn hóa học tập chung.

Tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng thành phố học tập: Tham gia các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập toàn cầu do chính quyền thành phố Hạ Long tổ chức

Đóng góp ý kiến và nguồn lực: Các cá nhân và tổ chức có thể hiến kế, chia sẻ sáng kiến thực tế để xây dựng các chương trình học tập hiệu quả, phù hợp với nhu cầu địa phương. Đồng thời, tự nguyện đóng góp nguồn lực (như sách vở, thiết bị học tập, hoặc tài trợ tài chính) để hỗ trợ các dự án giáo dục và học tập suốt đời của thành phố.

   Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố cần nâng cao nhận thức về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; có những hành động và việc làm cụ thể góp phần thực hiện các kế hoạch và cam kết của Thành phố Hạ Long, phấn đấu xây dựng thành phố Hạ Long trở thành “Thành phố học tập” và tham gia Mạng lưới các “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO vào năm 2025./.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 399