Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, màu vụ đông - xuân
Vụ đông - xuân năm nay, toàn Thành phố gieo cấy trên 1.240 ha lúa và trên 550 ha cây màu ngắn ngày các loại. Thời gian này, các diện tích lúa, màu đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, từ cuối tháng 3, các trà lúa tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng sâu, bệnh hại. Với sự chủ động của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, hình hình sâu bệnh hại lúa màu đang được kiểm soát tốt.
Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp Thành phố thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại xã Dân Chủ
Trên địa bàn toàn thành phố hiện có khoảng 180 ha diện tích lúa xuân sớm, trên 1.060 ha diện tích lúa xuân muộn, đảm bảo nguồn lương thực cung ứng cho nhân dân trong toàn thành phố trong thời điểm dịch Covid-19. Hiện tại, cây lúa xuân sớm đang trong giai đoạn đòng già - trỗ, lúa xuân muộn đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng.
Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trời âm u, đêm và sáng có mưa nhỏ mưa phùn, rải rác có mưa rào duy trì suốt thời gian nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh gây hại. Theo thống kê, hiện trên địa bàn Thành phố đã có trên 200ha lúa nhiễm các loại sâu bệnh, tăng 200% so với cùng kỳ, trong đó số diện tích bị bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ chiếm số diện tích lớn. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 gây hại với mật độ dày, diện tích nhiễm khoảng 100 ha, tập trung tại các xã: Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Bằng Cả và các phường: Hà Khẩu, Hà Phong, Đại Yên,... Bệnh đạo ôn đang gây hại với diện tích nhiễm khoảng 50 ha, tập trung tại các xã: Quảng La, Dân Chủ, Bằng Cả, Tân Dân. Ngoài ra, trên 50 ha nhiễm các loại bệnh như: rầy nâu, rầy lưng trắng, phân bố rải rác. Một số diện tích lúa và cây hoa màu bị chuột phá hoại.
Diện tích lúa đông- xuân muộn trên địa bàn xã Lê Lợi đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh- làm đòng
Tuy nhiên, một số diện tích lúa trên địa bàn xã Lê Lợi đang bị sâu cuốn lá nhỏ mật độ dày
Trên 2ha lúa của xã Dân Chủ hiện nhiễm bệnh đạo ôn
Ngay khi xuất hiện tình trạng sâu bệnh, các cơ quan chuyên môn của Thành phố và chính quyền các xã, phường đã kịp thời khuyến cáo bà con nông dân chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng trừ các loại sâu, bệnh.
Tại xã Dân Chủ- 1 trong 4 địa phương phía Tây của thành phố có số diện tích lúa bị bệnh đạo ôn nặng. Tuy nhiên, với sự chủ động của chính quyền và nhân nhân địa phương, hiện nay, số diện tích lúa bị sâu bệnh của xã đã cơ bản dược khống chế. Ông Đinh Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Chủ cho biết: "Diện tích sâu bệnh hại lúa trên địa bàn chiếm khoảng 2ha trong tổng số 50 ha toàn xã. Ngay sau khi xuất hiện tình trạng sâu bệnh hại lúa, xã Dân Chủ đã chủ động khuyến cáo bà con trên hệ thống loa truyền thanh. Nhờ chủ động trong phát hiện, phun thuốc phòng ngừa, đến nay, cơ bản diện tích sâu hại lúa đã được khống chế, không ảnh hưởng tới diện tích lúa cuối vụ".
Bà Chu Thị Dịu, Thôn 2, Xã Dân Chủ chia sẻ: Vụ xuân năm nay, gia đình bà cấy 4 sào lúa. Khi phát hiện lúa bị sâu bệnh hại, gia đình đã được xã hướng dẫn cách phòng trừ. Gia đình đã mua thuốc tại trạm vật tư của xã, phun lần thứ 3, đến nay, diện tích lúa của gia đình đã cơ bản hết bệnh.
Hộ gia đình ông Bùi Huy Lạc đang chăm sóc cây lạc
Còn tại xã Lê Lợi, địa phương có tổng diện tích đất trồng lúa, màu lớn thứ nhì thành phố (chỉ sau xã Thống Nhất) với trên 470 ha, trong đó diện tích cấy lúa xuân trên 250 ha. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, diện tích lúa màu trên địa bàn bị sâu bệnh nhiều, chủ yếu là đạo ôn, khâu vằn và sâu cuốn lá nhỏ. Với kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời với sự chỉ đạo, khuyến cáo thường xuyên của chính quyền xã và Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, số diện tích lúa màu bị sâu bệnh đang được bà con tích cực phòng trừ, khống chế.
Ngoài diện tích lúa, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lê Lợi và các xã, phường đã chuyển đổi diện tích cấy lúa sang trồng các cây màu ngắn ngày, cho thu nhập cao hơn cây lúa như: khoai sọ, đỗ lạc, dưa hấu, dưa leo.... Tổng diện tích cây màu toàn thành phố vụ đông- xuân năm nay là trên 350 ha.
Hộ gia đình ông Bùi Huy Lạc, thôn Bằng Xăm, xã Lê Lợi năm nay cũng chuyển một số diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng sang trồng khoai sọ và lạc. Do thời tiết khắc nghiệt, lúa- màu năm nay đều phát triển kém hơn những năm trước. Gia đình cũng đã kịp thời phun thuốc phòng bệnh và tích cực chăm bón. Tuy nhiên, hiệu quả phòng trừ cũng không cao. Dự báo năng xuất thấp hơn năm ngoái.
Theo Ông Lê Đình Anh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp Thành phố cho biết: Do thời tiết diễn biến phức tạp, thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh gây hại. Số diện tích cây trồng vụ đông- xuân bị sâu bệnh toàn Thành phố ước tính khoảng 200 ha, tăng 200% so cùng kỳ. Dự đoán, sản lượng cuối vụ thấp hơn cùng kỳ khoảng 30%. Trung tâm đã chủ động kiểm tra, thăm đồng thường xuyên, phối hợp chính quyền các xã, phường có các biện pháp phòng trừ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thăm đồng, hướng dẫn nhân dân phòng dịch, giảm thiểu tới mức thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh tới năng suất cây trồng vụ đông- xuân.
Vụ đông - xuân là vụ cây trồng đặc biệt quan trọng, chiếm trên 60% tổng sản lượng lúa, màu cả năm. Vì vậy, đây là giai đoạn rất nhạy cảm, có tính quyết định tới thắng lợi mùa vụ trong năm. Tin rằng, với sự chủ động trong dự tính, dự báo sớm của các ngành chức năng, sự chủ động, quyết liệt của chính quyền các địa phương trong chỉ đạo, sự tích cực của nhân dân trong công tác phòng, trừ sâu bệnh, sản lượng cây trồng vụ đông- xuân năm nay sẽ tiếp tục được giữ vững, đảm bảo tốt nhất an ninh lương thực cho toàn thành phố kể cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất ./.
Thùy Dương- Quang Cảnh
Tin tức khác
- Phường Tuần Châu chủ động xã hội hóa khắc phục hậu quả bão số 3
- Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ thức ăn đường phố
- 10 xu hướng chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe năm 2024
- An toàn thực phẩm là gì – Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm
- Vệ sinh an toàn thực phẩm là gì? Các nguyên tắc cơ bản để giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm