Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”

     Từ thực tiễn của địa phương, tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong đó đặt ra các mục tiêu và giải pháp nhằm phát huy các lợi thế, thế mạnh của từng địa phương với mục tiêu “xây dựng ngành nông nghiệp toàn diện, phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu chất lượng, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước nâng cao đời sống của người nông dân…”.  

      Tái cơ cấu nền nông nghiệp thực chất là tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho một bộ phận cư dân nông thôn, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

       Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể là duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất (GTSX) từ 6-8%/năm; cơ cấu ngành nông nghiệp GDP của tỉnh năm 2015 là 5-5,5%, đến năm 2020 là 3-4%; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 3 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 60% vào năm 2015 và  80% vào năm 2020…

      Thực hiện các mục tiêu này, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn chuyển dịch  theo hướng sản xuất hàng hóa. Các giống cây trồng dài ngày, năng suất và chất lượng thấp được thay thế bằng các giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao. Tại nhiều địa phương đã ổn định tập quán sản xuất 3 vụ/năm, sản xuất vụ đông được phát triển. Các tiến bộ kỹ thuật mới được tiếp thu và nhân rộng. Tỉnh đã tuyển chọn đưa vào sản xuất hàng chục loại giống cây trồng mới có năng suất và hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành mô hình trồng rau an toàn

     Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện phân bổ, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa đến năm 2015 là trên 26.500 ha và đến năm 2020 là 25.000 ha để đảm bảo an ninh lương thực cho 500.000 hộ dân. Cụ thể vùng lúa Đông Triều, Quảng Yên là 10.500 ha; vùng rau, hoa Quảng Yên, Đông Triều, Hoành Bồ, Hạ Long là 500 ha; vùng chè Hải Hà, Đầm Hà là 1.100 ha...

         Trong chiến lược kinh tế biển gắn với an ninh, quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách đầu tư cho khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có trên 10.500 tàu thuyền các loại, trong  đó có 176 tàu có công suất 90 CV trở lên. Đặc biệt, trong những năm qua, đựoc sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai và xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá tại khu vực Cô Tô với tổng vốn đầu tư 460 tỷ đồng. Đồng thời tỉnh cũng phê duyệt chủ trương đầu tư 6/7 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá với tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng.

        Đối với phát triển lâm nghiệp, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai công tác giao đất, giao rừng và tập trung đầu tư phát triển rừng theo chiều sâu, phấn đấu đến năm 2015, diện tích rừng  trên địa bàn tỉnh sẽ đạt 335.500 ha, trong đó có hơn 325.500 ha rừng đủ tiêu chí tính độ che phủ, nâng độ che phủ rừng trong toàn tỉnh đạt 53,5%. Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ phát triển rừng; thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ ngân sách để nhân dân phát triển rừng sản xuất, quản lý bảo vệ rừng, xây dựng, điều chỉnh bổ sung cơ chế phù hợp thực tế hiện nay; duy trì chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp trên địa bàn nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư cho các dự án trồng rừng.

        Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và tập trung dành nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tập trung xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời đang xây dựng và triển khai Dự án mỗi xã, phường một sản phẩm. Đến nay, tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua là trên 23.000 tỷ đồng; 100% số xã hoàn thành Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 100% các thôn, bản cơ bản có nhà văn hóa đủ điều kiện sinh hoạt; 100% các thôn, bản có điện lưới quốc gia; 26 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

Thực tế trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, sự tăng trưởng này chủ yếu là do phát triển theo chiều rộng, hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh và chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống kinh tế của người nông dân còn chật vật. Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mô hình nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao của Công ty CP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường

      Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm trong thời gian tới, mới đây, tại cuộc họp để nghe và cho ý kiến về đề cương Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh”, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Đề án tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm số 1 mà ngành nông nghiệp cần triển khai thực hiện trong năm 2014. Theo đó, đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng chọn đơn vị tư vấn và hình thành một tổ công tác chuyên trách để trong tháng 10-2014 đề án phải phải hoàn thành. Để đề án mang tính khả thi, hiệu quả, đồng chí thống nhất lộ trình thực hiện đề án sẽ triển khai trong giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần lấy mốc từ năm 2010 để đánh giá thực trạng, quá trình phát triển nông nghiệp Quảng Ninh.

       Đối với mục tiêu của đề án, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét lại một số mục tiêu, trong đó có mục tiêu về giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp (giai đoạn sau 2015 có thể tăng hơn 3-4% ) và đến năm 2015, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới phải trên 65% (thay vì 60% như trong đề cương). Đồng chí cũng yêu cầu, việc ứng dụng KHCN phải được triển khai mạnh mẽ và triệt để hơn nữa trong đề án. Riêng đối với giải pháp quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ngành Nông nghiệp cần xem xét lại việc hình thành các vùng sản xuất lúa sang hướng nâng cao chất lượng để tăng giá trị của sản phẩm...

      Tin tưởng rằng, với những mục tiêu, giải pháp của Đề án đề ra sẽ góp phần xây dựng ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, hiệu quả, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; cải thiện đời sống cho nông dân, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.../.

 Nguồn báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3347