Lợi ích của Vitamin A
Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ con người, có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Thiếu vi chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể lực của trẻ em. Nếu thiếu Vitamin A sẽ làm giảm khả năng miễn dịch ở trẻ, ảnh hưởng đến chức năng nhìn của đôi mắt. Nếu thiếu Vitamin A nặng sẽ gây mù lòa;
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào nhiều chức phận của cơ thể. Vitamin A có vai trò trong tăng trưởng và phát triển của trẻ đó là quá trình phân chia tế bào giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường. Vitamin A hỗ trợ chức năng thị giác: Nếu thiếu vitamin A biểu hiện đầu tiên là giảm khả năng nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu. Biểu hiện đó được gọi là “Quáng gà”. Vitamin A có tác dụng bảo vệ biểu mô: là cầu nối quan trọng giữa các tế bào biểu mô, rất cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô: giác mạc mắt, các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn…. Vì vậy, thiếu vitamin A sẽ xuất hiện khô da, sừng hóa và các tổn thương ở mắt được gọi là “Khô mắt”. Vai trò của vitamin A trong hệ miễn của dịch cơ thể: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong quá trình đáp ứng miễn dịch dịch thể của cơ thể, làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật.
Về Nguyên nhân của thiếu vitamin A:
Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp, vì vậy nguyên nhân chính của thiếu vitamin A là do ăn uống các loại thức ăn nghèo vitamin A và Carotenoid. Bữa ăn thiếu dầu mỡ cũng làm giảm hấp thu vitamin A. Ở trẻ nhỏ đang còn bú mẹ hoàn toàn thì nguồn vitamin A được cung cấp đến từ sữa mẹ, trong thời kỳ cho con bú nếu bữa ăn của mẹ thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con. Thiếu vitamin A thường hay xảy ra trong giai đoạn cho trẻ ăn bổ sung do khẩu phần ăn không đảm bảo đủ nhu cầu vitamin A cho trẻ. Vì vậy, khi cho trẻ ăn bổ sung cần chú ý cho trẻ ăn đầy đủ và lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin A. Những trẻ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp làm cơ thể tăng nhu cầu sử dụng vitamin A và cũng là nguyên nhân gây thiếu vitamin A. Nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là yếu tố góp phần làm thiếu vitamin A. Suy dinh dưỡng nặng thường kèm thiếu vitamin A vì thiếu chất đạm để huyển hóa và vận chuyển vitamin A. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng làm ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A.
Hậu quả của thiếu vitamin A:
Thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn, làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa và sởi.
Giải pháp phòng chống thiếu vitamin A
Bổ sung vitamin A: Cho các đối tượng nguy cơ uống vitamin A liều cao định kỳ để phòng chống thiếu vitamin A. Tăng cường vitamin A vào thực phẩm: Đưa vitamin A vào một số thực phẩm thông dụng như đường, sữa, dầu ăn…Cải thiện bữa ăn: Bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vitamin A cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Trong bữa ăn cần có một số thức ăn giàu vitamin A như: Thức ăn nguồn gốc động vật: Trứng, cá, thịt, gan, tôm… Thức ăn nguồn gốc thực vật: rau muống, xà lách, rau ngót, gấc, cà rốt, đu đủ, xoài… Đối với trẻ nhỏ, thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất cho trẻ nhỏ) và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý khi trẻ trên 6 tháng tuổi. Thức ăn bổ sung của trẻ cần có đủ dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A, vitamin D. Cần phải bảo đảm sức khỏe chung cho trẻ, tiêm chủng đầy đủ để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể.
Để Hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng mọi người, mọi gia đình hãy thực hiện:
1) Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
2) Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
3) Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.
4) Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.
5) Trẻ từ 24 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun.
6) Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
Tin tức khác
- Phường Tuần Châu: Khánh thành và gắn biển công trình chào mừng Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025- 2030
- HỘI THẢO KHOA HỌC "PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HẠ LONG TRONG KỶ NGUYÊN MỚI - KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC"
- Phường Tuần Châu tổ chức phát động ra quân dọn vệ sinh rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
- Tưng bừng Ngày hội đoàn kết- thắm tình quân dân trên địa bàn phường Tuần Châu
- Các khu phố trên địa bàn phường Tuần Châu chuẩn bị "Ngày hội Đại đoàn kết - Thắm tình quân dân" năm 2024.