"Cải cách thủ tục hành chính theo hướng ngày càng thuận tiện cho người dân"

Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) “5 bước trên môi trường điện tử”. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, về nội dung này.

- Bà cho biết các hình thức nộp hồ sơ TTHC hiện nay?

+ Cải cách TTHC theo hướng thuận tiện cho người dân luôn là ưu tiên của Chính phủ. Theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ "Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính", quy định cụ thể về cách thức tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC. Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC thông qua các hình thức: Nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa; qua dịch vụ bưu chính công ích; qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; nộp trực tuyến tại cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều chính sách, như miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến; lựa chọn những nhóm TTHC gắn trực tiếp với người dân để tập trung triển khai tiếp nhận trực tuyến toàn trình đảm bảo thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả (như cấp phiếu lý lịch tư pháp, giấy phép lái xe, hộ chiếu...)triển khai cung cấp 2 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng”; đẩy mạnh thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt, cung cấp chữ ký số cá nhân và cài đặt ứng dụng mobile money...

Như vậy, tùy theo nhu cầu, tổ chức, doanh nghiệp và người dân có thể nộp, nhận hồ sơ TTHC thông qua một trong 3 hình thức: Trực tiếp tại trung tâm hành chính công các cấp, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; gián tiếp qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC.

- Bà có thể nói rõ hơn về việc thực hiện dịch vụ công theo quy trình "5 bước trên môi trường điện tử"?

+ Với mục tiêu thực hiện để lưu trữ, bảo quản, khai thác và tái sử dụng dữ liệu, trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy trình giải quyết TTHC “5 bước trên môi trường điện tử” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả) gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Theo đó, tại bước tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tại trung tâm hành chính công các cấp sẽ kiểm tra thành phần hồ sơ, hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ, đồng thời kiểm tra, xác thực tài khoản số của cá nhân thông qua số định danh cá nhân hoặc thông qua mã định danh cơ quan, mã số thuế/mã số doanh nghiệp; trường hợp chưa có tài khoản số, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hoặc tạo tài khoản cho tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Sau đó, cán bộ sẽ thực hiện số hóa, ký số đối với thành phần hồ sơ là kết quả giải quyết TTHC hoặc phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Tại bước thẩm định, phê duyệt, cán bộ có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, phê duyệt hồ sơ và ký số vào kết quả giải quyết TTHC. Cán bộ trả kết quả sẽ thực hiện tiếp nhận kết quả giải quyết TTHC, kiểm tra tính xác thực của chữ ký số cá nhân và thực hiện ký số cơ quan vào kết quả giải quyết TTHC điện tử, ký sao y vào các giấy tờ là thành phần hồ sơ kèm theo bắt buộc số hóa. Cuối cùng, tại bước trả kết quả, cán bộ sẽ lưu trữ kết quả bản điện tử vào kho dữ liệu của hệ thống giải quyết TTHC tỉnh, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và trả kết quả bản giấy cho tổ chức, cá nhân nếu có nhu cầu.

Giải quyết TTHC theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” phục vụ số hóa, bóc tách dữ liệu đã làm thay đổi căn bản phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh và các địa phương, tăng hiệu quả làm việc, tăng sức mạnh quản lý, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết TTHC.

Đối với người dân, doanh nghiệp, việc triển khai ký số trong giải quyết TTHC đã tạo sự đổi mới, đột phá trong yêu cầu giải quyết TTHC, giúp giảm chi phí, thời gian khi giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC, tăng cường sự giám sát của người dân, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng vặt. 

- Bà cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC đã mang lại những lợi ích gì?

+ Chuyển đổi số, trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, là một chủ trương lớn mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp, đồng bộ nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Payment Platform) với Cổng Dịch vụ công của tỉnh, đáp ứng kịp thời với chỉ đạo của UBND tỉnh trong thực hiện thu phí, lệ phí giải quyết TTHC 100% thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt từ ngày 1/7/2023.

Thông qua giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp trung tâm hành chính công các cấp đơn giản hóa thủ tục, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến; giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp quản trị hiệu quả. Đồng thời góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số TTHC, xây dựng chính quyền số.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1057